xuân hạ
Tôi nâng niu cuốn lưu bút, lòng ngập tràn vui sướng. Này là của Mi Hương, này là của “Tam quái” rồi cả Bình “quậy” đã nghỉ học nữa. Nhiều lắm, mỗi đứa đều gắn liền với một kỷ niệm. Có đứa chỉ vắn tắt vài dòng thật láu lĩnh: “Chúc bí thư thi không bị bí”. “Ê! Khi nào trở thành nhà báo nhớ viết về tập thể 12A3 này nha mậy” ... Hàng loạt nét chữ cười vui trên trang giấy. Tôi bất ngờ nhận được dòng chữ của “hắn”:
Gởi cô bé hay hờn
Mùa phượng cuối cùng vội trao nhau từng kỷ niệm. Xin gởi tặng cô bé hay hờn biệt danh dể thương ngày nào để nhớ mãi về nhau.
Cô bé ơi, cổng trường khép lại, trang lưu bút mở ra là chứa đầy những ước mơ. Chúc cho nhau đôi chân vững bước vì rằng bước đi ngày mai có thể sẽ chông gai. Nên ta chỉ chúc cô bé hãy giữ mãi nét vui tươi khi ngày mai thẳng bước ngẩng cao đầu, dẫu cuộc đời còn ngửa nghiêng phiền muộn.
Lời cuối chúc cô bé sớm trở thành nhà báo tương lai và đừng giận kẻ không mời mà viết này.
Lê hiền huynh
Lê hiền huynh, tôi bất ngờ thốt lên rồi khẽ mỉm cười. Thế là hắn đã chịu thua mình rồi hay sao? Mấy ngày nay hai đứa giận nhau. Ngày nào cũng thế tôi phải đi một mình. Trời nắng, gió ngược, những cảm xúc vô tình vờn theo cơn gió. Mỗi lần như thế tôi đều níu kéo hắn và cố hỏi cho được những thắc mắc. Còn hắn thì căng đầu mà suy nghĩ trả lời để tôi vừa lòng. Tình bạn hai đứa hồn nhiên như cỏ. Tôi như một đứa em út được anh hai chiều chuộng. Vậy mà hôm nọ làm kiểm tra Lý. Cả lớp im phăng phắc làm bài, bài tập Lý rắc rối tôi chẳng làm được xíu nào. Nên vội cầu cứu hắn. Tưởng chừng hắn sẽ ân cần như ngày nào, thế mà hắn lại rất tỉnh queo:
- Kiểm tra một tiết thôi, Phương ráng giải đi. Dễ lắm.
Cái cục tự ái của tôi càng lúc càng lớn dần. Trống đánh hết giờ, tôi chuyển bài ra đầu bàn rồi phóng nhanh xuống cầu thang. Hắn chạy theo. Tiếng gọi ân cần, khẩn khoản sau lưng. Tôi bước thật nhanh nhưng hắn đã theo kịp:
- Phương không hiểu Dũng gì hết.
Tôi gạt phắt:
- Cần gì phải hiểu. Như thế chưa đủ à?
Hắn lúng túng:
- Nhưng mà Phương...
Tôi cắt ngang:
- Nhưng mà Phương không muốn tồn tại một tính ích kỷ, cá nhân trong tình bạn của chúng mình.
Nói xong tôi ào chạy đi và chỉ kịp nghe tiếng thở dài của hắn.
Thế rồi ngày ngày mọi việc vẫn xảy ra rất bình thường. Tôi vẫn với cái mặt nước đá lạnh băng đến lớp. Hắn vẫn đôi mắt buồn buồn, chăm chỉ học hành. Duy chỉ có một điều là tôi đã tham gia băng “Tứ quậy” của nhỏ Thanh và thằng Tuấn...
... Vừa ăn cơn xong tôi nhét vội hai cuốn tập vào túi quần rồi giả bộ đến trường chẳng khác nào một tên con trai. Trưa nay năm đứa tôi hẹn nhau tại trường để chuẩn bị đi xem phim. Ðã một giờ trưa rồi mà vẫn chưa thấy đứa nào. Sân trường vắng lặng, chỉ vài đứa ở lại học thêm. Phượng đã bắt đầu ra hoa. Những cái búp xanh mơn mởn càng làm lòng tôi thêm xao xuyến. Một cành phượng vô tình vương trên tóc, tôi thẫn thờ vuốt nhẹ. Cái đầu sư tử của tôi, ôi! Sao vô dụng đến lạ kỳ.
- Hoàng Phương!
Tiếng gọi bất ngờ sau lưng. Tưởng đâu là bọn nó tới, ai dè... hắn ta chạy nhanh đến chỗ tôi, miệng mỉm cười cầu hòa:
- Phương đi học sớm quá vậy?
Tôi lạnh lùng:
- Tôi chờ nhóm “Tứ quậy” đi xem phim.
- Vậy à? Thôi, xin lỗi Phương nha.
Hắn thẫn thờ bước đi. Tôi tỉnh bơ không một chút dắn đo cho đến khi cùng nhóm “Tứ quậy” cúp học đi xem phim. Hết suất phim cả bọn định dạo một vòng rồi mới về, nhưng tự nhiên tôi cảm thấy nhớ hắn. Nói đúng hơn là nhờ ánh mắt và dáng đi hồi trưa ở trường của hắn.
Tôi trở về nhà và nhận được một lá thư viết trên giấy học trò do dì Hai bán xăng cạnh nhà đưa. Bất ngờ quá. Hắn viết thư xin lỗi tôi chuyện hôm ấy và báo rằng hắn phải nghỉ học và trở về quê vì ba mất. Nghẹn ngào xúc động, tôi không thể cầm được nước mắt. “Hồi trưa này Dũng đến từ biệt Phương, nhưng Phương bận đi xem phim cùng “Tứ quậy”. Dũng định nói cho Phương biết từ hồi tuần trước lận mà cứ sợ Phương buồn...” Lời hắn viết chân thành đến thế. Tôi xấu hổ nghĩ đến những hành động của mình, lòng quặn thắt một nỗi buồn bất tận.
Mấy cuốn sách gói lại kỹ lưỡng. Một tấm hình tôi và hắn chụp cùng tập thể lớp trên bãi biển Long Hải hồi 20-11. Một quyển sổ nắn nót với dòng chữ: “Chúc Dũng luôn vui vẽ, mạnh khỏe và luôn nhớ tới Phương...” Cho tất cả vào giỏ xách rồi, tôi mới yên tâm lên giường. Trằn trọc không ngủ được. Ðồng hồ điểm báo đã 4 giờ sáng. Tôi tức tốc vùng dậy và chuẩn bị đồ đạc ra ngoài bến xe. Trời tháng năm mới đó đã tờ mờ đã sáng. Chuyến xe tốc hành về miền Tây đã khởi hành. Tôi hồi hộp không biết Dũng đã đi chưa. Bất ngờ một giọng nói ấm áp quen thuộc vang lên bên tai:
- Phương đến lâu chưa vậy?
Tôi cuời buồn bã:
- Vừa tới, Dũng à.
- Dì Hai chuyển thư cho Phương hả?
Tôi gật đầu không nói và nhìn Dũng. Ðôi mắt hắn ta trông buồn bã làm sao. Ðời quả không ai học được chữ ngờ. Mười mấy năm trời cùng nhau thẳng bước đi qua. Hôm nay chỉ còn trọn vẹn 60 ngày. Có hai tháng thôi mà chúng tôi cũng không thể cùng sánh bước, quả là cay nghiệt quá.
Tôi cố gắng dò xét một lần nữa:
- Dũng không thể cố gắng được à?
- Không thể được, Phương à. Ba Dũng mất, nhà Dũng như người cụt tay. Quê nghèo lắm, một mình má không thể tảo tần nuôi nổi gia đình, huống chi là lo cho Dũng trên này ăn học.
- Vậy về dưới Dũng tiếp tục học chứ?
- Hổng biết sao nữa. Mà có học cũng chỉ có lớp bổ túc văn hóa thôi Phương à.
Tôi thở dài:
- Vậy là buồn quá Dũng ha. Về dưới Dũng nhớ thường viết thư cho Phương và các bạn. Phương có ghi địa chỉ ở trong này. Dũng giữ lấy nhé, quà tặng của Phương đó - Tôi dúi cái xách tay vào tay Dũng bắt hắn phải cầm lấy. Chuyến xe thứ hai về miền Tây sắp sửa khởi hành, tôi cố gắng lấp hết khoảng không gian đầy mật ngọt:
- Dũng cũng gan quá há. Ai cho Dũng viết vào lưu bút của Phương vậy? Tại Dũng đi đó, chứ nếu mà ở lại thì còn lâu Phương mới chơi với Dũng.
- Thiệt không vậy? - Hắn mỉm cười.
- Thiệt đó.
Cả hai cùng cười. Lần đầu tiên tôi mới nhìn kỹ vào mắt Dũng. Mắt hắn trong vắt như pha lê, lặng lẽ như mùa phượng cuối. Thế mà đôi mắt ấy lại sớm vật lộn với đời. Ngày mai giữa chốn đường đời phức tạp sẽ đón thêm một “thành viên” mới. Có ai biết rằng thành viên ấy đã sống và trưởng thành từ tình thương của mẹ, của thầy cô và những tấm lòng của bạn bè. Ðể rồi ngày ra trường chưa kịp nhìn cánh phượng cuối cùng rơi, bạn bè chưa kịp nói với nhau lời từ biệt... Dũng ơi, có lẽ chúng mình sẽ gặp lại nhau, dù nơi đó không phải là cổng trường thời đi học nhưng nó cũng sẽ có đủ những tiếng ve, những cánh phượng, những kỷ niệm của một thiên đường đầy ắp những tinh nghịch vui tươi...
Tôi ngước mặt nhìn Dũng. Dũng lặng im, mắt nhìn vào một phương trời xa vợi. Chắc Dũng đang liên tưởng đến tương lai của mình. Một tương lai nhỏ bé không định hướng giữa khoảng trời mênh mông lồng lộng. Nước mắt vô tình tròn lăn trên má. Tôi lại nhìn Dũng, lần đầu tiên, chợt hiểu rằng: Con trai cũng biết khóc...